1. Trang chủ
  2. » ĐỜI SỐNG - XÃ HỘI
  3. » Chuyện thu hồi đầm bãi Cồn Xanh, đối thoại bất thành ở Nam Định: Vì sao nên nỗi?

Chuyện thu hồi đầm bãi Cồn Xanh, đối thoại bất thành ở Nam Định: Vì sao nên nỗi?

9/7/2023
Gần 100 ha đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản sẽ bị thu hồi trắng làm kênh thoát nước thải khu công nghiệp thuộc khu vực Cồn Xanh và một loạt các xã ven biển như Phúc Thắng, Nghĩa Hải, Nghĩa Thành… (huyện Nghĩa Hưng). Trong lịch làm việc về cuộc đối thoại gần đây của lãnh đạo Nam Định về việc này đã được cho là bất thành khi người dân không đến.

Chuyện “mất trắng”

Trong Thông báo số 783 vừa ban hành ngày 16/6/2023, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc khẳng định, đất đầm bãi nuôi trồng thủy sản của các hộ dân tại khu vực Cồn Xanh là đất do nhà nước quản lý. Việc thu hút đầu tư các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại khu vực này là phù hợp với chủ trương, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển kinh tế ven biển Nam Định giai đoạn 2021 – 2025.

Trước đó, ngày 19/12/2018, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt Quy hoạch Phát triển kinh tế thủy sản và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 2896. Tuy nhiên, chưa đầy 2 năm sau, ngày 10/7/2020, tỉnh Nam Định ban hành QĐ số 1645 về việc chấm dứt hiệu lực thi hành Quy hoạch nói trên. Người thay mặt UBND tỉnh ký ban hành cả hai Quyết định trên là ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.

 

chuyen-thu-hoi-dam-bai-con-xanh-doi-thoai-bat-thanh-o-nam-dinh-vi-sao-nen-noi.jpg

Công văn của Sở Tài chính tỉnh Nam Định hướng dẫn không đền bù, hỗ trợ cho người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản ở Cồn Xanh.

 

Đằng sau hai Quyết định này là số phận của hàng trăm hộ dân nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng trực tiếp bởi họ đã đầu tư tiền bạc, công sức để khai phá, cải tạo vùng sình lầy, bãi triều hoang hoá… thành những đầm bãi trù phú, nhưng thời gian sử dụng chưa được bao lâu.

Sự thay đổi về Quy hoạch khiến mục đích sử dụng đất bị thay đổi theo. Tiếp đó, Nam Định ban hành các quyết định thu hồi, không đền bù giải phóng mặt bằng đối với hàng trăm ha đầm bãi đang nuôi trồng thủy sản ổn định, mang lại nguồn thu bền vững cho người dân.

Mục đích của việc thu hồi nhằm phục vụ các dự án công nghiệp trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, bao gồm các nhà máy sản xuất thép; sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn; dệt nhuộm…, trong đó có cả dự án xây dựng kênh thoát nước thải khu công nghiệp dệt nhuộm – những lĩnh vực được cho là nhạy cảm về môi trường, nhất là môi trường biển.

Quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp…” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại  Quyết định số 450/QĐ-TTg về Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các chuyên gia nhận định, Nam Định cần có sự cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng khi thực hiện chuyển đổi chủ trương phát triển kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp tại khu vực ven biển, nhất là sau những bài học như Formosa xảy ra cách đây chưa lâu!

 

chuyen-thu-hoi-dam-bai-con-xanh-doi-thoai-bat-thanh-o-nam-dinh-vi-sao-nen-noi-2.jpg

Ông Nguyễn Văn Túc ở xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng năm nay đã 79 tuổi, cả đời gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản, đã có mấy chục năm ra bờ biển khai khẩn khu nuôi trồng thủy sản Cồn Xanh khi nói về việc tỉnh Nam Định có chủ trương xóa bỏ khu nuôi trồng thủy sản này, ông đã không giấu được sự tiếc nuối vừa nói vừa như muốn khóc. Ảnh: NC

 

Thời gian qua, các cấp, ngành của Nam Định và huyện Nghĩa Hưng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng phối hợp với nhà đầu tư tiến hành triển khai các dự án; quy trình, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng được triển khai theo đúng các quy định. Tỉnh đã áp dụng tối đa các cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, các hộ dân nuôi trồng thủy sản thuộc diện thu hồi đất đầm bãi tại khu vực Cồn Xanh chưa đồng thuận và có những ý kiến thắc mắc chủ yếu liên quan đến quyền lợi kinh tế. Người dân tập trung khiếu kiện đông người, 2 lần lên Trung ương để kiến nghị. Nhiều người tỏ ra xót xa về việc sẽ “mất trắng” tất cả sau sự việc này.

Đối thoại bất thành – vì đâu nên nỗi?

Trong sự việc này, Nam Định cho rằng, động thái của người dân đã làm ảnh hưởng tới việc triển khai dự án, có tác động không tốt đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh và có nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng nói riêng và của tỉnh nói chung.

Ngày 18/5/2023, Ban tiếp Công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) có văn bản số 1404 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định. Theo đó, Thanh tra Chính phủ chuyển đơn của ông Nguyễn Văn Cương (xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng) cùng một số người dân đại diện cho hơn 400 hộ nuôi trồng thủy sản tại Cồn Xanh khiếu nại liên quan tới việc thu hồi đầm bãi, không đền bù…

Theo đó, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tổ chức đối thoại, làm rõ 22 nội dung theo đơn đề nghị ngày 21/4/2023 kèm theo Giấy biên nhận thông tin, tài liệu ngày 26/4/2023 của Thanh tra tỉnh Nam Định. Buổi đối thoại có sự tham dự của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ NN-PTNT. Thời gian trong tháng 6/2023.

Thực hiện chỉ đạo này, theo kế hoạch, chiều ngày 23/6, UBND tỉnh Nam Định sẽ tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân về việc bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng) tại Nhà văn hóa Trung tâm huyện Nghĩa Hưng.

Cụ thể, chiều ngày 23/6 Chủ tịch tỉnh Nam Định cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành của tỉnh và huyện đã có mặt tại Nhà văn hóa trung tâm huyện Nghĩa Hưng để chủ trì buổi làm việc. Các vị lãnh đạo đã chờ đợi người dân từ lúc 13h30 cho tới 14h30 cùng ngày, tròn 1 giờ đồng hồ. Thế nhưng bà con chưa tới (hoặc xác định là không tới). Đến khoảng 14h30, các lãnh đạo của Nam Định đã rời khỏi Hội trường Nhà văn hóa trung tâm huyện Nghĩa Hưng – nơi diễn ra buổi đối thoại.

 

chuyen-thu-hoi-dam-bai-con-xanh-doi-thoai-bat-thanh-o-nam-dinh-vi-sao-nen-noi-4.jpg

Dù Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định và các sở ngành liên quan, huyện và địa phương có mặt để đối thoại nhưng người dân không đến (ảnh chụp chiều 23/6/2023)

 

Chính quyền Nam Định đã rất cầu thị khi tổ chức cuộc đối thoại lần thứ hai (lần 1 vào ngày 14/4/2023); đã rất chuẩn mực và đúng đắn khi vẫn tổ chức buổi đối thoại (theo kế hoạch và theo quy định!) dù đã được báo cáo là người dân không tới. Vậy là sự việc chính thức “bất thành”, cuộc đối thoại đã không thể diễn ra.

Vì sao lại nên nỗi như vậy?

Về phía người dân, chưa biết vì sao mà người dân không muốn tham gia cuộc đối thoại này. Một số ý kiến cho biết, người dân cho rằng: nội dung cuộc đối thoại không đúng như kiến nghị của bà con. Bà con không đề nghị đối thoại để đòi hỏi tiền đền bù đối với đầm bãi bị thu hồi, mà vì việc thu hồi đó là chưa đầy đủ căn cứ, chưa đúng. Bà con muốn đối thoại với người lãnh đạo cao nhất của UBND tỉnh về 22 nội dung đã kiến nghị bằng văn bản rõ ràng, đã gửi đích danh nhiều tháng qua!

Một nguyên nhân nữa, đó là bà con mong mỏi có đại diện của các Bộ ngành Trung ương tham dự (gồm đại diện của Thanh tra Chính phủ, đại diện hai Bộ TN-MT, NN-PTNT – những cơ quan đang quản lý tài nguyên, lĩnh vực ngành liên quan tới bà con). Vì không có các đại diện của các cơ quan này nên bà con không tới…

Có lẽ, việc không tới cuộc đối thoại là bà con có lý do của họ, nhưng trên thực tế thì việc này đã vô hình chung làm mất đi cơ hội được đối thoại, được nêu quan điểm, đưa nguyện vọng của bà con. Việc này sẽ bất lợi cho chính người dân, vì dù sao thì chính quyền đã thực hiện đúng chỉ đạo, làm theo đúng quy định và đã cầu thị muốn được đối thoại cùng bà con. Nhưng bà con không tới, cuộc đối thoại không diễn ra, thì đồng nghĩa rằng nội dung cuộc đối thoại không tồn tại. Vậy thì bà con bị thiệt và cũng chính bà con sai – sai vì đã tự quyết không tham gia đối thoại.

Còn về chính quyền Nam Định thì sao? Liệu rằng đây có phải là một thử thách thực sự lớp đối với Nam Định về câu chuyện cân bằng được lợi ích phát triển kinh tế địa phương và lợi ích cụ thể của người dân hay không?

Là một người làm báo, cũng là một người dân Nam Định, thời gian qua tôi thực sự cảm nhận được sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Nam Định nói chung và các cấp lãnh đạo trong tỉnh Nam Định nói riêng. Đã có hàng loạt các dự án được đầu tư, được triển khai; đã có hàng loạt những sự thay đổi nhằm mưu cầu sự phát triển thực sự cho Nam Định trong nhịp phát triển của xã hội. Đây chính là tiền đề để Nam Định tìm cách bứt phá, tìm cách phát triển và xoá đi lời “chê” của dư luận là bị Hà Nam và Ninh Bình “bỏ lại”.

Thế nhưng, đã 1 năm trôi qua, Nam Định vẫn chưa thể tìm thấy được một giải pháp thực sự tốt nhất để có thể chấm dứt được câu chuyện ở Nghĩa Hưng xung quanh việc thu hồi đầm bãi như này. Nếu sự việc này tiếp tục kéo dài thêm nữa, sẽ là nguyên nhân của việc bất ổn về an ninh chính trị, tinh thần và đời sống người dân. Không những thế, còn làm chậm quá trình đầu tư của dự án, sự phát triển kinh tế xã hội tại Nghĩa Hưng nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung.

Vì sao nên nỗi như vậy? cả bà con Nghĩa Hưng lẫn chính quyền tỉnh Nam Định?

Bạn đang xem bài viết “Chuyện thu hồi đầm bãi Cồn Xanh, đối thoại bất thành ở Nam Định: Vì sao nên nỗi? ” của cơ quan Báo chí Bảo vệ Rừng và Môi trường. Mọi góp ý về bài viết này vui lòng gửi Email: baovemoitruong.media@gmail.com – baobvmt@gmai.com – Hotline: 086.271.6899 – 090.463.1280Nhấn nút đăng ký và theo dõi kênh để đồng hành cùng chúng tôi!
 

 

Tin mới

    Nổi bật

    ljedzobliae1dnmq
    TinTuc
    lhojfmnrkannvwbx